Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

gaspace: Đàm Vĩnh Hưng: Một biểu tượng của ý chí học tập

[gaspace]- Đàm Vĩnh Hưng – như nhiều người vẫn nói- là một ngôi sao ca nhạc sáng giá nhất của Việt Nam trong hiện tại. Bỏ qua những tai tiếng thị phi do những phát biểu khác lạ thì điều đáng quý nhất ở người ca sỹ này là ý chí học tập và tự học tập rất đáng trân trọng. Điều này một lần nữa chứng minh rằng sự kiên nhẫn là chìa khóa của thành công trong mọi lĩnh vực.GA- NEWS xin giới thiệu sau đây bài viết ghi lại hồi ức của Hoài Nam – người thầy âm nhạc đầu tiên của Đàm Vĩnh Hưng – về đoạn đường đầy gian khổ, cảm động của ĐVH trước khi có được vị trí đỉnh cao như hôm nay. Theo GDVN.Nguồn tintuconline.com. Tựa do GA- NEWS đặt lại.
 
1309228500-nc-7.jpg
Ca Sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một buổi diễn
 

Ai cũng đã ít nhiều biết rằng, để giàu có, nổi tiếng như hiện nay, Đàm Vĩnh Hưng đã trải qua một thời nghèo khổ. Nhưng nghèo khổ đến mức nào, hẳn không phải ai cũng biết, và câu chuyện của ca sĩ Hoài Nam, người đã dạy Mr Đàm những kiến thức âm nhạc đầu tiên, sẽ tiết lộ nhiều điều bất ngờ.


Em mặc toàn đồ sida không hà
Năm 1997, Đàm Vĩnh Hưng lúc đó còn là Huỳnh Minh Hưng đến gặp tôi, xin học luyện thanh và ký xướng âm. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với anh chàng này là đôi mắt sáng, ánh lên sự khao khát được hát rất mãnh liệt, ngoài ra, không có gì đặc biệt. Tôi có thể nhận xét về Hưng vào thời điểm đó thế này: Giọng hát trên mức bình thường một chút,  nhưng có “chất rất riêng”, nghe là biết “nó” hát liền. Ngoại hình thì khỏi nói, nhìn… không chịu nổi luôn: Gầy gò, có phần hơi tìều tụy, chẳng ra dáng gì của một nghệ sĩ nhưng được cái gương mặt lém lỉnh, thông minh.

Ngày ngày, Hưng đến lớp học bằng một chiếc xe chaly lùn tịt. Mỗi lần Hưng vào đến gần lớp, tôi đã biết vì tiếng máy xe rất ồn ào. Học trò của tôi, thời đó, nhiều em đã đi bằng những chiếc xe “xịn” như Dream, FX 125, Max II… giá khoảng 4 - 5 cây vàng, nhưng mỗi lần dẫn xe vào bãi, Hưng rất tự tin, không hề mặc cảm. Nhìn Hưng tôi thương lắm.
 
Sau này, Hưng dành dụm được chút ít tiền, "lên đời" bằng một chiếc Angle cũ. Hưng vẫn thường than với tôi xe này đi hao xăng. Tôi không biết Hưng đi đứng thế nào, chiếc xe bị quẹo cổ sang một bên, rất khó chạy. Nói thật, không ai dám mượn xe Hưng chạy, vì ngại… nguy hiểm. Vậy mà Hưng vẫn cứ để như thế mà chạy, chẳng thấy sửa, chắc là sợ tốn tiền trong lúc còn quá khó khăn.

Trong lớp học, Hưng là đứa học trò hay “thắc mắc” nhiều nhất, đôi lúc làm tôi rất bực mình. Mỗi ngày học chỉ khoảng 2 giờ, nhưng tôi thường bị cậu học trò này “giữ chân” thêm khoảng 30 phút nữa. Tôi hay nói đùa: “Em đòi hỏi nhiều quá!”. Học một thời gian, Hưng hát khá hơn rất nhiều, có thể hát lên những nốt có âm vực rất cao. Trong khi những bạn cùng lớp chưa ai đủ “trình độ” để hát “phiêu”, Hưng đã làm được điều đó, không khác gì một ca sĩ “lão luyện”. Nhưng thực sự, tôi vẫn không bao giờ tin rằng sẽ có một ngày Hưng sẽ là một ngôi sao "đình đám" của showbiz.

1345082494.jpg
 
Thầy trò thân quen, thỉnh thoảng tôi cũng đến căn phòng trọ của Hưng thuê nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Hai, thuộc quận Tân Bình, TP.HCM. Căn phòng ọp ẹp, nóng hầm hập chỉ chừng 9m2, có một gác lửng. Phía trên Hưng dùng để ngủ, nghỉ, bên dưới Hưng tận dụng mặt bằng để làm một tiệm hớt tóc bình dân, có hai cô nhân viên phụ việc. Mang tiếng là tiệm cho sang, chứ thực ra vật dụng sơ sài lắm, chỉ vài cái ghế, cái bàn. Vật dụng có giá trị nhất của “tiệm tóc” này chắc có lẽ là chiếc tivi cũ kỹ có từ từ... thời vua Bảo Đại, được Hưng đặt ngay vị trí trang trọng. Mỗi lần muốn mở tivi, Hưng phải toát mồ hôi, dùng một thanh gỗ nhỏ, “chọt chọt” vào một cái khe hẹp nằm ngay chỗ núm bật, cả buổi trời màn hình mới sáng lên được…

Sau này, tôi, Hưng và một cậu học trò nữa, lập thành nhóm hát nam, đi hát ở các tụ điểm nhỏ tại TP.HCM như: Trống Đồng, 126… Nghề ca hát là một nơi cạnh tranh khốc liệt, tình trạng  “cá lớn nuốt cá bé” diễn ra “thường ngày ở huyện”. Tính tôi không thích bon chen nên chưa bao giờ phản ứng. Nhiều lúc, 3 thầy trò đến điểm hát, bị ca sĩ ngôi sao giành hát trước, đành phải ngậm ngùi chấp nhận, dù trong lòng uất ức lắm. Ngôi sao họ cứ thỏa thích cái “tôi” của họ, còn chúng tôi có bị trễ giờ ở tụ điểm khác họ cũng mặc, “bọn bây ngồi đợi tao hát xong cái đã”. Đôi lúc 3 thầy trò  phải hủy luôn show sau, vì một vài ngôi sao thời ấy.

Hưng còn nghèo quá, chưa có tiền bạc để mặc những bộ đồ hiệu đắt tiền, sang trọng trị giá hàng chục ngàn USD như bây giờ, toàn mặc những bộ đồ "sida", mua ngoài chợ, giá chỉ vài chục ngàn đồng. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh: Một lần tôi dẫn Hưng đi hát, Hưng mặc một bộ đồ vest xám dài đến tận chân, rộng thùng thình. Hưng ốm, nhỏ con, mặc bộ đồ này trông buồn cười lắm. Thấy tôi cứ nhìn chằm chằm, Hưng ghé tai tôi nói nhỏ: “Đồ sida đó thầy ơi! Em mặc toàn đồ sida không hà”. Tính Hưng là vậy đó, rất bình dị, thẳng thắn một cách rất chân thành.

Tuy nghèo nhưng Hưng không sống luồn cúi, nịnh nọt hay nhờ vả ai. Đặc biết nhất, là chỉ biết hát và hát, không hề đòi hỏi, quan  tâm đến tiền cát-xê. Ai kêu hát, Hưng mừng lắm, rối rít lên, dù đám cưới, sinh nhật, sự kiện… nhiều khi cát-xê không đủ tiền đổ xăng, nhưng Hưng đều “chạy” một cách rất nhiệt tình. Dường như với Hưng, được hát là một hạnh phúc vậy.

"Em muốn hát chung chị Thanh Lam một bài, thầy giúp em"

Có một lần, Hưng chạy vào phòng tôi, nói gấp gáp: “Thầy ơi, có một chương trình sắp diễn ra ở Nhà văn hóa Thanh niên, thầy có cách nào gửi gắm cho em hát không thầy?”. Nhìn ánh mắt khao khát của Hưng,  tôi không nỡ lòng nào từ chối, đành gật đầu. T. người biên tập cho chương trình đó cũng khá thân quen với tôi, tôi đã liên hệ nhờ giúp chuyện này. T. yêu cầu tôi dẫn Hưng đến gặp mặt. Không biết anh này nhìn Hưng thế nào, nhất quyết từ chối.

Nhưng khác với thân hình nhỏ bé, Hưng có một cá tính rất mạnh mẽ. Đến chiều tối hôm đó, Hưng vẫn mặc đồ đẹp, bước vào sau cánh gà sân khấu, cố gắng thuyết phục lần nữa, nhưng T. vẫn cương quyết từ chối. Nhìn vẻ mặt thất vọng, buồn rười rượi của Hưng, tôi rưng rưng nước mắt. Tôi thương cho cậu học trò của mình, trách mình bất lực, giận cả T… Vậy mà ngay hôm sau, Hưng xem như không có chuyện gì xảy ra và lại lao vào luyện tập. Dường như chính những chuyện “nhục nhã” thế này, đã hun đúc cho Hưng một nghị lực khủng khiếp. Tôi có cảm giác Hưng đang thề với chính mình: “Mai sau mọi người phải năn nỉ tôi hát” thì phải.

Năm 1998, Thanh Lam tổ chức liveshow đầu tiên mang tên “Em và tôi” tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM. Hưng mê giọng hát của Thanh Lam lắm. Biết tin, Hưng tự tin nói với tôi: “Em muốn hát chung chị Thanh Lam một bài, thầy giúp em…”. Tôi rất sửng sốt, không biết nói gì, vì lúc này Hưng chỉ là một ca sĩ “tép riu”, lại dám cả gan… đòi hát với một ngôi sao đẳng cấp như Thanh Lam! Thật  không chịu nổi! Nhưng vì thương học trò, tôi vẫn đánh liều, tìm cách. Tôi gọi điện thoại cho MC của liveshow là chị Phương Thảo (đã mất – PV): “Em có thằng học trò, nó muốn hát với Thanh Lam…”.  Chị Phương Thảo hứa với tôi là sẽ nói lại với Thanh Lam xem sao.

Thế là, đêm liveshow diễn ra, mọi người rất bất ngờ khi nghe MC Phương Thảo giới thiệu tiết mục Thanh Lam ngẫu hứng song ca cùng một khán giả “đặc biệt”. Hưng tiến nhanh lên sân khấu, MC Phương Thảo ngắn gọn: “Vị khán giả rất yêu thích giọng hát Thanh Lam đó, tên là Vĩnh Hưng!”.  Khán giả vô cùng ngạc nhiên, không thể nào tưởng tượng anh chàng thanh niên nhỏ bé ấy chính là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sau này.

mr-dam.jpg
Đàm VĨnh Hưng song ca cùng ca sĩ Thanh Lam

Lần đầu đứng trên một sân khấu lớn, được hát cùng thần tượng, Hưng như vỡ òa cảm xúc trong từng ca từ của ca khúc Bên em là biển rộng của nhạc sĩ Bảo Chấn. Ca khúc này do chính Hưng đề nghị với Thanh Lam. Ngay cả những ca sĩ có đẳng cấp cũng chưa chắc theo nổi cách hát phiêu, thăng hoa không theo một khuôn khổ nào của Thanh Lam, thế mà Hưng tỏ vẻ rất hòa hợp. Thanh Lam "phiêu", "thăng" tới đâu, Hưng cũng… tới đó! Thanh Lam hết sức bất ngờ trước vị khán giả "kỳ lạ" này. Khán giả vỗ tay rần rần. Đến lúc đó, tôi  đã thực sự tin rằng, chẳng bao lâu nữa cậu học trò của mình sẽ trở thành ngôi sao sáng chói, hoàn toàn khác với suy nghĩ của tôi về Hưng trong những ngày đầu tiên.

Người đời nói: “Trái đất tròn, chúng ta có ngày vẫn còn gặp lại”, rất đúng. Bây giờ Hưng đã là một nam ca sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam, bất kỳ chương trình nào, nhà tổ chức cũng mong muốn treo tên của Hưng để bảo đảm doanh thu. Hưng được giới nghệ sĩ quý trọng không chỉ về tài năng mà còn về đạo đức, nhân cách. Không còn chuyện bị giành giờ, bị từ chối hát như thuở hàn vi nữa...

Tôi biết một ngôi sao trong thập niên 90, từng giành giờ với Hưng lúc cô chưa định cư ở hải ngoại, hiện đang về Việt Nam, nhờ Hưng làm album, phát hành và giới thiệu show hát. Riêng T., người từng dứt khoát không cho Hưng hát trong chương trình của mình mà tôi kể lúc nãy, chắc vẫn còn ngại chuyện cũ nên mỗi khi tổ chức chương trình đều nhờ tôi mời Hưng hát, chứ không dám mời trực tiếp. Được cái, Hưng rất rộng lượng, không bao giờ nhắc lại những “tủi nhục” mà người khác đã gây ra cho mình, và vui vẻ nhiệt tình hợp tác…

Đến giờ này, khi Hưng đã là ngôi sao lớn, bỏ xa tôi cả... 100 cây số, tôi còn nhận ra một điều đáng quý của Hưng, rất hiếm hoi ở một ngôi sao: Rất cầu tiến, ai góp ý chân thành, Hưng sẵn sàng tiếp thu, thậm chí còn nói lời cám ơn họ. Hưng muốn hoàn thiện mình, chứ không phải như nhiều ngôi sao khác, cứ giữ khư khư “cái tôi” của mình…

the-voice-shop-hang-hieu-1.JPG
Đàm Vĩnh Hưng trong chương trình The Voice

gaspace: Thương hiệu giáo dục: Thực và Ảo.


[gaspace]- Thương hiệu Giáo Dục là vấn đề lớn trong việc thu hút và đào tạo nhân tài cho đất nước.GA- NEWS xin giới thiệu bài viết sau đây của VÂN–NHI .Nguồn : doanhnhansaigon.vn.Tựa bài do GA-NEWS đặt lại.

Trên thế giới, khi nhắc đến nền giáo dục Mỹ người ta nhớ ngay đến Đại học Harvard; nhắc tới Anh người ta nghĩ đến Đại học CambridgeOxford; nhắc đến Úc nhớ tới ANU (Australia National University); đến Singapore có NUS (National University of Singapore)... Có thể nói các trường đại học trên là thương hiệu giáo dục của các quốc gia này. Còn khi nhắc đến Việt Nam, dường như ai cũng loay hoay không sao chọn ra được thương hiệu nào thật xứng đáng.
 
publik-logo.jpg
 
Cô Tuyết Vân - Giám đốc Công ty Publik Communication, từng làm Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Truyền thông Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Thương hiệu là sự cảm nhận của người sử dụng sản phẩm và dịch vụ của một đơn vị nào đó. Để người tiêu dùng cảm nhận tốt và đúng với định vị mà doanh nghiệp mong muốn thì phải đầu tư rất công phu và bài bản.Song, không phải cứ bỏ nhiều tiền đầu tư cơ sở vật chất, mở nhiều cơ sở, quảng cáo, PR rầm rộ như một số trường đang làm là xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu chỉ định hình và tồn tại khi được người tiêu dùng hài lòng về chất lượng”.

Trong nền kinh tế thị trường, xây dựng thương hiệu là điều tất yếu không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh mà cả lĩnh vực giáo dục cũng cần coi trọng. Nhất là khi thị trường giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều trường từ dân lập, tư thục, các trung tâm ngoại ngữ mang “quốc tịch” Việt Nam và quốc tế... mọc lên như nấm.

Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng thương hiệu cho các tổ chức giáo dục lại càng cần thiết vì chỉ như thế, các tổ chức giáo dục đó mới có được một hình ảnh đẹp, một niềm tin trong lòng công chúng và vượt lên hẳn so với các tổ chức khác.   Vấn đề đặt ra là xây dựng thương hiệu cho giáo dục phải bắt đầu từ đâu?

Câu trả lời là từ chất lượng đào tạo, thể hiện qua nội dung chương trình, kết quả học tập, đầu ra của sinh viên, tỉ lệ tìm được việc làm, số lượng sinh viên đáp ứng được nhu cầu xã hội...Song, do cạnh tranh và do quan niệm giáo dục là một dịch vụ vô hình, không thể sờ, thấy và dùng thử tức thì nên mặc dù chất lượng đào tạo, nội lực bên trong, cụ thể là đội ngũ giảng viên, giáo trình, tài liệu tham khảo... ở một số trường tư thục và quốc tế tuy chưa thật sự nổi bật, nhưng để thu hút phụ huynh, học sinh, nhiều trường đã “chọn” đầu tư cho quảng cáo như một cách xây dựng thương hiệu nhanh nhất.
 
quality.jpg
 
Thực tế, tất cả điều này mới chỉ là làm tròn sứ mệnh “thông tin, nhận biết” phần ngoài, còn thương hiệu thì hầu như vẫn chưa nơi nào tạo được sự đột phá, xác lập chỗ đứng tin cậy trong lòng khách hàng. Do không có sự nổi trội và khác biệt về chất lượng nên không ít quảng cáo mất tác dụng khi người tiêu dùng bị “no” giữa một rừng thông tin quảng cáo, lúng túng không biết chọn trường nào, trung tâm nào vì ở đâu cũng một “giọng” tiếp thị giống nhau.

Thậm chí, có nhiều trường còn quảng cáo sai sự thật như một số trung tâm Anh ngữ quảng cáo có giáo viên ngoại quốc trực tiếp giảng dạy nhưng hầu hết là “Tây ba lô”, hoặc một số trường dân lập quốc tế quảng cáo “Học trong môi trường quốc tế với giáo viên ngoại quốc” nhưng có đến 85% giảng viên là người Việt.Theo bà Marguerite J. Dennis- Hiệu phó phụ trách chương trình hợp tác quốc tế của Đại học Suffolk (Boston, Mỹ), đơn vị đang liên kết đào tạo với Đại học Hoa Sen TP.HCM: “Muốn xây dựng thương hiệu cho giáo dục thì điều đầu tiên là phải trung thực với những gì mình có và cam kết, đặc biệt là phải có thế mạnh riêng.Ngoài ra, một yếu tố rất nhỏ (được coi là kinh nghiệm của Suffolk), đó là trân trọng sinh viên, coi họ như những khách hàng có giá trị. Với sinh viên Việt Nam đang học ở Suffolk, chúng tôi chăm sóc chu đáo khiến họ xem Suffolk như ngôi nhà của mình.Chẳng hạn, vào ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, chúng tôi tổ chức tiệc mừng cho sinh viên để họ vơi đi cảm giác nhớ nhà. Đây cũng là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu”.

gaspace: Câu chuyện lão bán rau

gaspace
Ăn rau không chú ơi?
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

1.png
 
Bức ảnh đăng cùng câu chuyện trên Facebook

 
 
 
- Ăn hộ tôi mớ rau...!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.
Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
- Rau này bà bán bao nhiêu?
Hai nghìn một mớ. Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...
- Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? Chị bán nước khẽ hỏi.
- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.
- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia...
Gã không ngờ.........!

gaspace: Nước mắt trên những bó rau

[gaspace] BÀ LÃO BÁN RAU  -đăng trên Facebook - là một câu chuyện lấy đi rất nhiều nước mắt của độc giả. Dựa vào câu chuyện đó, nhà thơ Bùi Hoàng Tám đã viết thành một bài thơ rất hay. GA- NEWS xin giới thiệu sau đây cùng quý vị độc giả cả hai : bài thơ và câu chuyện. Tựa do GA- NEWS đặt lại.
 
 2.png
Minh họa : Ngọc Diệp
 
 
 
BÀ LÃO BÁN RAU
 
Giữa phố phường đông đúc
Một giọng nói thều thào:
Hỡi các cô, các chú
Mua giùm tôi mớ rau…
 
Cô gái trẻ bước sang
Tay lật mồm chan chát:
Rau của bà héo nát
Lợn cũng không thèm ăn…
 
Bà cụ chừng tủi phận
Giọt lệ già rưng rưng
Cuối trời mây vần vũ
Báo một ngày gió giông
 
Chờ cô gái đi khuất
Chàng trai giọng nghẹn ngào:
Bà ơi cháu mua hết
Tất cả là bao nhiêu? 
Sao chú mua nhiều thế?
Có gì đâu mà nhiều
Cháu mua giùm đứa bạn
Cho cháu gửi đến chiều…
 
Bữa ấy trong phòng ấm
Chàng làm việc mê say
Ngoài trời mưa tầm tã
Gió gào trên ngọn cây…
Bao nhiêu là dự định
Chàng cố làm cho xong
Có ngờ đâu ngoài phố
Cụ già mòn mỏi mong
 
Ai hỏi mua cụ bảo
Rau có người mua rồi
Cháu nó nhờ tôi giữ
Lát nữa về đấy thôi…
 
Mưa mỗi lúc một lớn
Gió mỗi lúc một to
Trời mỗi lúc một tối
Bà cụ càng co ro…
 
Một buổi chiều chủ nhật
Chàng đi dạo phố phường
Chợt nhớ về bà lão
Từng bán rau bên đường
 
Chàng giật mình khi biết
Cụ chờ mình đến khuya
Tuổi già nên cụ đã
Về thế giới bên kia
 
Mấy tháng trời ròng rã
Chàng bỗng thành ngẩn ngơ
Hương hồn người tử tế
Đang ở đâu bây giờ…!
 
 
Bùi Hoàng Tám

gaspace: Thực Trạng Nền Giáo Dục Việt Nam

[gaspace]– Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, thực trạng của giáo dục Việt Nam có thể gói gọn trong một từ : TAM LẠC.Tuy nhiên TAM LẠC ở đây không có nghĩa là ba niềm vui, mà là ba điều không vui : Giáo dục Việt Nam đang thực sự : LẠC HẬU , LẠC HƯỚNG VÀ LẠC ĐIỆU. GA-NEWS giới thiệu sau đây bài viết của Tuệ Nguyễn.Nguồn : thanhnien.com.vn.Tựa do GA- NEWS đặt lại.

Đó là ý kiến của các nhà giáo dục tại hội thảo "Trí thức thủ đô với đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" do Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật tổ chức ngày 29.9.

NHÀ TRƯỜNG KHÔNG CHỈ DẠY CHỮ 
GS Hoàng Tụy cho rằng, trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi lại đằng sau, “chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ”.

GS Hoàng Tụy chỉ ra: Giáo dục đang lạc hướng, lạc điệu từ cái gốc, tức là từ triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn dạy làm người.

Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức. Cái khác nhau chỉ là ở nội dung và cách dạy người. Dạy cho thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác nhau cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN, có thể nói, 12 năm từ tiểu học đến THPT, giáo dục của chúng ta chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì.

giaovien-(1).jpg
Công tác dạy người tính đến nay vẫn chưa được thực hiện tốt.

GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ đặt vấn đề: Tại sao bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết đều không được thực hiện nghiêm chỉnh? Bao nhiêu cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân và tập thể đều như “đấm vào bị bông”?

PGS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ nói, những sai lầm lớn, nổi trội của GD-ĐT bị phê phán cách đây 15 năm vẫn tồn tại như: nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; tổ chức thi cử nặng nề; nội dung và phương pháp giảng dạy lạc hậu, nhồi nhét; chất lượng đào tạo xuống cấp không kiểm soát nổi, những hiện tượng tiêu cực như mua bằng, bán điểm và nguy hiểm hơn là bằng thật mà học giả… chẳng những không khắc phục được bao nhiêu mà lâu ngày đang biến thành những tình thế khó đảo ngược, những căn bệnh "thâm căn cố đế" khó có phương thuốc chữa trị.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm, học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn "xả hơi" sau 12 năm gò lưng trên bàn học ở trường và ở lớp học thêm. Đến mùa thi thì "đi thầy đi cô" để có bảng điểm tốt. Một danh sách khá dài những gia đình chán ngán với giáo dục của nước mình, đã bằng mọi giá cho con ra nước ngoài học.

GS Nguyễn Xuân Hãn, Chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Hà Nội nêu thực tế: Ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực về sách, chương trình quá nặng so với quốc tế và xa rời với thực tế; còn bậc ĐH thì “đói” sách và "dạy chay" triền miên.
GS Đặng Danh Ánh cũng nhận định, không ít sinh viên ĐH chỉ học sao có mảnh bằng nên phần lớn trong số họ rất lúng túng khi bước vào đời.

Hệ thống GD-ĐT kém linh hoạt, tất cả học sinh tốt nghiệp THPT dù giỏi hay kém đều được thi ĐH đã gây nên tình trạng “ùn tắc” quá tải như hiện nay. “Chính phân luồng học sinh không tốt dẫn đến mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực", GS Ánh nói.

VẤN ĐỀ SÁCH GIÁO KHOA & THI CỬ 
Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc đổi mới giáo dục không nên sa đà vào việc viết lại sách giáo khoa mà cần phải có một chương trình chuẩn đáp ứng được những yêu cầu của nền giáo dục mới.

GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị chương trình sau khi được xây dựng xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh qua chất lượng các bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc in sách giáo khoa không độc quyền như hiện nay mà phải là việc của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in. Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. “Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Còn Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu thì đề nghị cần làm lại các chương trình môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống… như chương trình hiện nay.

Đa số các nhà giáo cũng đề nghị phải thay đổi cách thức thi cử như hiện nay.

GS Nguyễn Lân Dũng nói về phong trào “Hai không”: “Tôi hỏi một cháu ở Hà Tây cũ về kỳ thi vừa qua, cháu nói thầy cô cho mang “phao” thoải mái vào phòng thi, chỉ cấm mang sách giáo khoa thôi. Vậy thì đâu chỉ có một Đồi Ngô ở Bắc Giang mà có cả “rừng ngô” trong cả nước”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.Hà Nội đề nghị: "Để kỳ thi tốt nghiệp THPT được nghiêm túc và có tỉ lệ đánh giá chính xác, Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn thay đổi quy chế cho thi tốt nghiệp THPT tại ngay các trường THPT. Thầy trò tự coi, các trường tổ chức thi phải đầu tư camera để giám sát toàn bộ kỳ thi. Khi gửi bài thi thì gửi băng ghi hình của phòng thi đó luôn cho hội đồng chấm".